Truyền thống văn hóa

Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, mặc dù phải thường xuyên đương đầu với giặc giả, với hạn hán, bão lụt, sóng cả,gió to, người dân Xuân Thành thời nào cũng tỏ rõ bản chất ngoan cường bất khuất trước thiên tai, địch hoạ, vượt qua mọi hy sinh thử thách, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, đi đầu dậy trước trong chống giặc ngoại xâm, áp bức, bóc lột xứng danh người xứ Nghệ, một vùng phên dậu của nước Đại Việt văn hiến. Trong cuộc sống cộng đồng dân cư từ bao đời nay, người dân Xuân Thành lúc nào cũng mang đậm cốt cách giản dị, tiết kiệm, nhân ái, bao dung, ngay thẳng, tình nghĩa thuỷ chung, ham học hành, trọng chữ nghĩa, xem thường cám dỗ, vật chất, hư danh.

Bên cạnh những mặt tốt đẹp ấy, người Xuân Thành còn bộc lộ những khuyết điểm, yếu kém như: Sản xuất manh mún, tư tưởng hẹp hòi, cục bộ, thiếu nhìn xa trông rộng trong cung cách làm ăn, giao tiếp thiếu quảng đại, thiếu năng động, còn chủ quan bảo thủ, duy ý chí, xứ thế cứng nhắc.

Xuân Thành ngày nay là một phần quan trọng của đất Phan Xá xưa. Tuy là một vùng đất cát trắng, bạc màu, khí hậu khắc nghiệt, đời sống quanh năm lam lũ, nghéo đói, nhưng là nơi nổi trội về học hành khoa bảng trên đất Nghi Xuân địa linh nhân kiệt.

Làng Lòi nay là thôn 6 xã Xuân Thành một trong những làng nghèo đói vào loại nhất Phan Xá xưa nhưng lại có người khai khoa đầu tiên cho cả huyện Nghi xuân đó la hoàng giáp Phạm Ngữ đậu nhị giáp tiến sỹ khoa Quý Mùi (1463) triều vua Lê Thánh Tông, ông là tấm gương sáng con nhà nghèo, thông minh, vượt khó.

Nối tiếp Phạm Ngữ, sang nửa đầu thế kỷ 15 họ Phan ở Phan Xá liên tiếp có 2 người thi đình đậu đạt. Năm Tân Mùi (1511) Phan Chính Nghị đậu hoàng giáp, tiếp đến hoàng giáp thứ 3 là, ông Phan Cảo thi đậu khoa Mậu Tuất (1538) triều Mạc Đăng Doanh.

Một vùng đất nghèo, quanh năm sống bằng khoai là chính mà liên tiếp có 3 vị hoàng giáp xứng danh là đất "Tam khoa tam hoàng giáp" (1)

(1) Học vị hán học trước 1919 xếp theo thứ tự: Trạng nguyên, bảng nhân, thám hoa hoàng giáp tiến sỹ, phó bảng, cử nhân, tú tài.

Ngoài các vị đại khoa, ở Phan Xá còn có nhiều bậc hương khoa (cử nhân) như: Phan Tử Phụ, Phan Trung, Lê Văn Hành, Phạm Tuấn Hồng, Nguyễn Cơ Thể, Nguyễn Chí Đạo, Phan Bang Ngạn, Phan Kỳ (1)

Sánh vai cùng các nhà khoa bảng trên đất Phan Xá cũng có nhiều bậc võ công mà huân nghiệp đánh giặc giữ nước không kém phần vẻ vang xứng danh là bậc danh thần lương tướng như: Phan Hùng Quý, Phan Thiết Hán, Phan Văn Giáp, Phan Khắc Từ, Phan Văn Chiểu, Hà Quân, Nguyễn Phu (2).

Đặc biệt tầng lớp nho sỹ bình dân ở Phan Xá còn có những "kỳ nhân" tiến thân không qua thi cử khoa danh mà bằng trí tuệ hơn người và lòng tiết tháo, tiêu biểu như: Phan Nhân đầu thế kỷ 15 đã được Lê Lợi thuở hàn vi trọng dụng giao làm "Sao kỳ hành quân" (ghi chép việc quân cơ chiến trận). Có nhiều công trạng về sau được thăng quan đầu tỉnh (lộ) với chức An phủ sứ lộ Lý Nhân (3). Cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 ông Phan Y ra giáp vua Quang Trung - Nguyễn Huệ làm quan ở Trấn Nghệ An đã theo gương trung quân của Phan Chính Nghị nên khi Gia Long lên ngôi có chiếu triệu ra làm quan nhưng ông bất hợp tác (4).

Không chỉ có học rộng, tài cao hơn người mà các bậc khoa bảng, nho sỹ ở  Phan Xá xưa "Đều là người tuấn tú, điềm đạm, hoà nhã, kính thầy, yêu bạn, không ham chuộng hình thức bề ngoài".. . (5)

Người dân Phan Xá xưa thời nào cùng trọng chữ nghĩa, khoa danh, ai cũng trông mong kẻ sỹ thành danh, không câu nệ mấy năm, cốt sao nhiều người thành tài (6). Khác với các làng xã trong huyện ở Phan Xá trước 1945 lễ "cầu khoa" hàng năm không bó hẹp tầng lớp hương chức, kỳ lão, quan viên dự lễ mà toàn dân  đều đến Văn Miếu thắp hương kính cẩn, cầu mong làng xã có thêm người đậu đạt (7). Chính những nét dẹp văn hoá đó là nguồn động viên, bà đỡ cho con em trong làng, ngoài xã ai cũng chăm lo dôì mài kinh sử để sớm thành danh đền đáp lại tấm lòng ưu ái của quê hương.

 Cũng như các làng xã trong huỵên, nhân dân Phan Xá - Xuân Thành có vốn văn hoá dân gian phong phú giàu bản sắc dan tộc, đậm đà tính cách xứ Nghệ. Đó là các lễ hội diễn ra trong năm phản ánh thế giới tâm linh. Là vốn dân ca, ca dao, tục ngữ, ví dặm, hò vè và diễn xướng chèo phản ánh đa dạng tâm tư, tình cảm, ước nguyện, truyền bá kinh nghiệm sản xuất, khuyên răn điều thiện, lên án điều ác.

Về các tập tục xưa, ngoài những nét đẹp chung của cư dân ven biển ở  Phan Xá -  Xuân Thành có những tập tục riêng như:

- Tục cúng "Thần súc lan". Nhằm cầu mong cho vật nuội trong nhà hay ăn, chóng lớn. Vào dịp gặt xong vụ mùa, cuối tháng 9 âm lịch hàng năm, các gia đình đèu soạn mâm cỗ cúng "Thần súc lan" Vật cúng nhà nào cũng soạn cá eo đuôi và đĩa quýt tắt.

Các chú thích từ (1) đến (7) lấy từ các trang 116 đến 205 sách Nghi Xuân địa chí của Lê Văn Diễn xuất bản 2001

- Lễ cúng tơ hồng khi rước dâu mới, không nhờ thầy cúng mà nhờ người cao tuổi trong họ tộc vợ chồng song toàn, con cháu sum vầy làm chủ lễ. Khi con dâu vừa chạm ngõ, mẹ chồng trong nhà vội xách bình vôI lánh ra vườn sau đó mới ra sân cất nón, đón dâu vào nhà.

- Trong lễ cúng thánh hoàng vào dịp giữa tháng 6 âm lịch (Lễ kỳ phúc) mọi nhà đều sắm cỗ xôi và gà ra đình làng, gọi là "xôi lồng" vì mâm xôi ấy phải 7,8 kg gạo nếp để làm. Cúng xong cả làng cùng ăn, ăn không hết mới mang về.

- Lễ "Dẫn hoa" ở đình, chùa, đền trong làng như Chùa Long, đền đông-đền tây-đền trung, đền Tân Trù, đền Đà Liễu, đình Nhân Lý, đền Yên Hạnh được xây dựng trước thế kỷ 19 là nơi hội tụ giao lưu văn hoá của Phan Xá nói chung và Xuân Thành nói riêng nhằm cầu mong điều tốt lành đầu năm mới âm lịch. Hoa làm bằng bột nếp có tẩm màu để vắt ra các loại hoa treo vào cây chuối là giao lưu văn hoá tâm linh.

Cũng như nông dân ven núi Hồng Lĩnh, thời vụ nông nhàn người Phan Xá - Xuân Thành lên núi khai thác củi, đốt than, song mây, lá tơi và gỗ, nứa, đót… Vì vậy ở Xuân Thành trước đây có một số nghề phụ ngoài làm ruộng và đánh cá biển như: đốt than, chằm tơi, đẻo ín cày, làm cối gỗ để giã gạo . . . vừa sử dụng và bán ở các chợ.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây