A – ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ XÃ HỘI
I. ĐỊA HÌNH
Về đại thể địa hình xã giống một hình tứ giác lệch. Phía tây nam có núi Mồng Gà của dãy Hồng Lĩnh thuộc làng Mỹ Dương xưa nay là xã Xuân Mỹ; phía đông là biển; phía nam giáp xã Cổ Đạm; phía bắc là xã Xuân Yên. Tổng diện tích tự nhiên 930,71 ha, trong đó có 452,75ha đất nông nghiệp, 96,52 đất lâm nghiệp, 59,46 ha đất du lịch, 31,30 ha đất thổ cư. Số còn lại là đất chưa sử dụng và nghĩa trang (số liệu 2007). Bình độ địa hình xã cao ở phía bắc giáp Xuân Yên thấp dần vào phía nam giáp Cổ Đạm. Địa hình xã Xuân Thành so với các xã trong tổng Phan Xá cũ nổi lên 3 nét riêng: Là một xã không có núi, không có sông, nhưng lại có bờ biển.
1. Bờ biển:
Bờ biển xã Xuân Thành dài 2,8km nằm gọn trong làng Đông Hội xưa(1), phía bắc là cửa Lạch Đào (2) là ranh giới bờ biển giữa Xuân Thành và Xuân Yên phía nam giáp bờ biển Cổ Đạm nay là làng Thanh long.
Bờ biển Xuân Thành có đặc điểm chung của bờ biển ngang huyện Nghi Xuân là: Được bồi tích bằng cát mịn, bằng phẳng không có núi đá nên không có gềnh đá, chế độ thuỷ triều ổn định. Độ nhiệt nước biển trên bề mặt cũng không chênh lệch mấy so với dưới đáy, mùa đông cũng xấp xỉ như mùa hè trung bình từ 21-230C. Độ mặn nước biển không cao từ 3,4 - 3,50C thích ứng với nhiều loại sinh vật biển. Đáy biển chỉ có lớp bùn mỏng thích hợp nghề lưới quét đánh cá lộng. Nhưng so với các xã biển ngang ở Nghi Xuân, bờ biển Xuân Thành có điểm đặc biệt là:
- Lớp bùn ở đáy biển vùng gần bờ mỏng hơn bùn đáy biển ở các xã khác.
- Không chịu tác động của dòng chảy của Sông Lam khi đổ nước ra cửa Hội.
- Phía trong mép nước biển có lạch nước ngọt từ lạch đào xuống giáp Cổ Đạm, lạch nước ngọt này quanh năm không cạn, tạo độ ẩm cho cây ven bờ biển quanh năm xanh tốt, tạo nước ngọt cho ngành du lịch phát triển.
(1) Làng Đông Hội là thôn độc lập của tổng Phan Xá và được lập sau các làng của xã Phan Xá cũ.
(2)Để thoát nước về mùa mưa lũ nhân dân tổng Phan Xá và Đan HảI từ cuối thế kỷ 18 đã chung sức khai con lạch để nước đổ ra biển ở vùng giáp ranh 2 xã Xuân Yên và Xuân Thành nên gọi là lạch đào, xưa kia thuyền bè qua lại và đậu ở lạch phía làng Đông Hội.
Những đặc điểm tự nhiên của bờ biển Xuân Thành cùng với gần các di tích lịch sử văn hoá quốc gia như: khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ ở trong Huyện đã tạo nên thuận lợi cho việc quy hoạch xây dựng bãI biển Xuân Thành sớm là một khu nghỉ dưỡng, bãI tắm thu hút khách trong nước và quốc tế.
Tuy là vùng biển ngang, nhưng biển Xuân Thành cũng là nơi cung cấp thuỷ hải sản phục vụ tại chỗ cho nhu cầu của khu du lịch.
2. Lạch đào, khe và các bàu nước ngọt:
Lạch đào tên xưa là Đào Khê. Do về mùa mưa bão nước từ Hồng Lĩnh đổ xuống các xã Tiên Điền, Đan Phổ, Tiên Bào dồn về Phan Xá gây ngập úng nặng.
Để thoát nước lũ ra biển đông, từ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 nhân dân 2 tổng Đan Phổ va Phan Xá đã đào một kênh dẫn nước ra biển ở nơi tiếp giáp 2 xã Tiên Bào và Phan Xá. Vì thế mới gọi là lạch đào, chỗ nước thoát ra biển gọi là cửa đào; phía ngoài cửa đào có doi cát gọi là bạch long, khi nước thuỷ triều rút nổi lên như một con rồng trắng trông rất kỳ thú. Hàng năm theo lễ quan viên hai tổng cử người đi khám xét dòng chảy để kịp thời nạo vét chỗ sạt lở, xử phạt những ai phá hoại kênh. Kẻ nào vi phạm bị xử phạt một trâu(1). Trước 1945 cửa Lạch Đào chưa bị bồi lấp, thuyền bè đánh cá cả hai làng Tiên Bào và Đông Hội khi gió bão thường vào tránh ở vũng Mạo thuộc thôn 1 ngày nay.
Do lạch bị lấp cạn và kênh đào bị bồi lấp nên nước ngọt theo chỗ trũng chảy bên mép doi cát sát bờ biển làng Đông Hội tạo thành dòng khe nước ngọt dài 2 – 3km, mùa hè nước cạn nhiều chỗ người qua lại dễ dàng..
Dòng nước ngọt chảy quanh năm dọc theo doi cát ven biển đã tạo nên lượng nước ngọt hiếm hoi, tạo thuận lợi cho khu nghỉ dưỡng, tắm biển, du lịch sinh thái ở làng Đông Hội. Ngày nay dòng khe ấy được cải tạo trồng cây hai bên bờ và bắc nhiều cầu qua khe, ghép lát đá bê tông chống sụt lở. Trên bờ khe cả hai bên cây cối được trồng xanh tốt, ky ốt, nhà nghỉ, khách sạn cao tầng, hàng quán dịch vụ mọc lên san sát, điện cao áp sáng trưng đôi bờ suốt đêm tạo nên cảnh sắc kỳ thú, hấp dẫn.
Trên đồng ruộng Xuân Thành từ phía bắc vào phía nam có 7 bàu nước ngọt với tổng diện tích trên 60 ha. Đó là các bàu: Cồn Hôi, Đồng Sác, Đồng Múc, Đồng Biền, Đồng Séo, Bàu Oi Loi, Bàu Quan. Độ sâu bàu từ 1m đến 2m. Trong đó sâu nhất là bàu Đồng Múc và bàu Oi Loi, rộng nhất là bàu quan. Bàu Đồng Múc còn có tên gọi là “Khổng Mục”,: Bàu này nước sâu và nhiều bùn lầy, hai bờ đông – tây đều là dân cư, của xã Xuân Thành và xã Xuân Mỹ có hương sen thơm có ánh nắng bóng mây toả sáng cây vườn thật là một cảnh đẹp…” (2)
-–––––––––––––
(2) Trang 64 sách trên.
Từ những năm đầu thế kỷ 21, Xuân Thành đã tập trung công sức, tiền của, sử dụng cơ giới san lấp cải tạo các bàu đầm mở rộng được hơn 50 ha ruộng cấy giống mới 2 vụ lúa góp phần giải quyết tận gốc nạn úng lụt và đảm bảo tự túc lượng thực, có thêm hàng hoá từ thóc gạo.
II- THỜI TIẾT, KHÍ HẬU
Khí hậu Xuân Thành thuộc tiểu vùng khí hậu các xã ven biển nam Nghệ AN, bắc Hà Tĩnh, chịu sự chi phối của chế độ gió mùa tây nam và đông bắc.
Gió mùa tây nam (gió Lào) thổi từ biển Ấn Độ Dương qua Thái Lan và Lào bị núi Trường Sơn chắn gây mưa nên nóng bức. Gió tây nam hoạt động từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch hàng năm, mạnh nhất là các tháng 6, 7,8. Các tháng này xuất hiện từng đợt kéo dài 5 đến 7 ngày nóng gay gắt, có lúc cao đến 38, 39 độ làm héo cỏ cây, lúa khoai và tre pheo, gây hạn hán trầm trọng. Năm nào gió tây nam xuất hiện sớm làm mất mùa đông xuân.
" Lúa trổ lập hạ, buồn bả cả làng"
Vì "Ba ngày gió Lào mùa màng mất trắng"
Do đặc điểm địa lý bị núi Hồng Lĩnh chắn gió từ Xuân An đến Xuân Viên nên khi gió tây nam thổi mạnh bị dồn lại ở các eo núi (trũng) tạo thành các điểm hút gió. Vì vậy tốc độ gió Lào khi xuống vùng biển ngang lên đến cấp 5, cấp 6. Nhưng từ 4 giờ chiều trở đi vùng biển ngang được gió nồm (gió đông nam) từ biển thổi vào đẩy lùi gió Lào làm cho khí hậu mát dịu.
Gió mùa đông bắc hoạt động từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau dương lịch năm sau. Giai đoạn đầu thường gây ra mưa to, kèm theo bão lớn từ biển vào đất liền gây nên bão lụt lớn, thiệt hại mùa màng, tài sản. Là vùng biển ngang nên Xuân Thành tốc độ gió trong áp thấp nhiệt đới và bão bao giờ cũng ở cấp độ gió lớn hơn các xã phía tây Hồng Lĩnh.
Từ cuối tháng 1 trở đi gió mùa đông bắc kéo dài từng đợt 7 đến 10 ngày gây mưa phùn, rét đậm, rét hại có năm nhiệt độ xuống 10 độ, thông thường 15 đến 18 độ ảnh hưởng cây trồng vật nuôi và sản xuất đời sống con người. Giống như bão vùng biển ngang tốc độ gió mùa đông bắc có cường độ cấp 5 cấp 6 cao hơn các xã phía tây Hồng Lĩnh.
Cũng như các xã trong Huyện Nghi Xuân, lượng mưa hàng năm ở xã Xuân Thành trung bình năm là 2100 mm. Trong năm có từ 90 đến 105 ngày có mưa. Nhưng lại tập trung vào các tháng 9, 10, 11 trong năm.
III - ĐẤT ĐAI, CHỢ, CẦU ĐƯỜNG
Xuân Thành là xã nằm trong vùng tam giác Lách - Hội - Gián huyện Nghi Xuân có cấu tạo đất đai do quá trình bồi tích biển qua hàng triệu năm của từng quá trình biển lùi. Vì vậy trên bề mặt cũng như dưới các tầng sâu, đất đai là cát ven biển, có độ PH cao, độ phì thấp, hút nước mạnh.
Về mặt địa hình đất đai Xuân Thành cấu tạo bởi các doi cát hình lượn sóng song song với bờ biển do sóng biển và chế độ thuỷ triều lâu ngày tạo nên trong quá trình biển lùi trải qua thời gian dài hàng trăm thế kỷ. Từ bìa mép biển vào trong đất liền trong địa phận của xã có tới 4 đồi cát cao thấp khác nhau, cách nhau khoảng 200 - 500m, giữa các doi cát là đồng ruộng, bàu đầm và ven các doi cát là làng xóm, đồng bàu.
Từ buổi đầu tụ cư đến nay trải qua hàng thế kỷ, người dân Xuân Thành đã đổ bao mồ hôi, công sức khai phá, cải tạo đất đai trồng trỉa cây lúa, cây màu. Song do đất cát độ phì kém, thoát nước nhanh nên mùa màng hàng năm bị thất bát bởi cảnh "Mới nắng đã hạn, vừa mưa đã úng". Cho đến nay nông nghiệp Xuân Thành vẫn dựa vào nắng mưa của thời tiết.
Trước 1945 tổng Phan Xá có chợ Mới họp vào vùng giáp ranh giữa 2 xã Mỹ Dương và Phan Xá. Nay không tồn tại và chợ Đón ở Đông Hội nay không họp nữa.
Năm 1948 xã Phan Xá cưới chợ Hôm họp vào buổi chiều tại vùng đình Hiển Hoa thuộc xã Xuân Mỹ Ngày nay. Chợ hiện nay không tồn tại.
Năm 2004, được dự án xây dựng chợ nông thôncủa Nhà nước, Xuân Thành xây dựng chợ ở khu trung tâm xã trên địa phận xóm 3. Chợ được kiến thiết tương đối qui cũ, họp cả ngày. Mùa du lịch chợ có thêm khách bốn phương.
Trước khi tái lập Tỉnh Hà Tĩnh (1991) cũng như các xã biển ngang trong huyện, Xuân Thành chưa có đường đường bê tông và nhựa hoá qua xã. Giao lưu với các nơi khác chủ yếu đường liên hương, liên xã, đất cát mùa hè đi lại khó khăn.
Từ 1992 lại nay sau khi đường Tỉnh lộ 22/12 đi qua xã, tiếp đến đường huyện lộ Xuân An - Xuân Thành làm xong, đường liên xã Xuân Thành - Xuân Yên rải nhựa, xe ô tô ngày nay từ các nơi về bãi tắm Xuân Thành và ngược lại thông suốt quanh năm, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh.
Do không có sông suối lớn qua xã, nên các đường tỉnh lộ, huyện lộ và liên hương qua Xuân Thành không có cầu, cống lớn.
Sau hơn 10 năm bền bỉ phấn đấu, đến nay Xuân Thành đã cơ bản bê tông hoá các trục đường chính của xã, đường nội bộ các xóm và đường nhựa của khu du lịch biển với tổng số trên 25km, làm thay đổi hẳn bộ mặt của xã, tạo nên mạng đường nông thôn mới bê tông và nhựa hoá, chi phí hàng chục tỷ đồng. Ngày nay xe ô tô dưới 15 tấn có thể đi lại khắp 10 thôn trong xã.